June 17, 2024
Thay vì phải dành ra hàng giờ đồng hồ tại các cửa hàng sang trọng cùng nhóm phù dâu chỉ để thử loạt váy cưới và chọn ra một thiết kế có giá hơn 1000 USD, một số nhà bán lẻ đưa ra một đề nghị thú vị dành cho những ai đang “truy tìm” váy cưới để các cô dâu có thể dễ dàng lựa chọn chiếc váy phù hợp.
Nhận thấy xu hướng “đơn giản hóa” quy trình tổ chức các sự kiện trọng đại của thế hệ Millennials và Gen Z ngày càng phổ biến, nhiều thương hiệu thời trang bình dân đã tận dụng thời cơ và thâm nhập vào ngành công nghiệp cưới để đáp ứng nhu cầu của những khách hàng mong muốn tiết kiệm chi phí với các thiết kế giá rẻ.
Abercrombie, Forever 21, Boot Barn, Shein và Lulus – những thương hiệu quen thuộc, nổi tiếng với các thiết kế tank top, quần short, jeans, bikini, bốt cao bồi và những chiếc váy lấp lánh, giờ đây đang “thử sức” ở thời trang cưới với mức giá phải chăng.
Theo The Knot Worldwide – nền tảng wedding planning, đồng thời là sàn giao dịch các dịch vụ cưới, chiến lược này cho phép các thương hiệu đại chúng trở thành một phần trong ngành công nghiệp trị giá hơn 100 tỷ USD của Mỹ.
Janine Stichter, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu và nghiên cứu thị trường BTIG, đồng thời là nhà phân tích thị trường bán lẻ và chi tiêu khách hàng cho biết: “Các công ty này xem lĩnh vực cưới như sự mở rộng tất yếu trong hoạt động kinh doanh của họ. Dù sao đi nữa, họ đã góp mặt trong nhiều danh mục sản phẩm của lĩnh vực này.”
Bà cho biết thêm: “Việc “lấn sân” sang mảng áo cưới là hợp lý, miễn là nó không làm sao lãng hoạt động kinh doanh chính của họ.”
Sau ồn ào về chiến lược marketing gợi tình, Abercrombie & Fitch nỗ lực rũ bỏ hình ảnh trong quá khứ và hướng đến những thiết kế có phong cách phù hợp với lứa vị thành niên hơn. Gần đây, thương hiệu tiếp tục quá trình phát triển của mình bằng việc nhắm đến phân khúc váy cưới.
Tháng 3 vừa qua, nhà bán lẻ đã ra mắt cửa hàng trang phục cưới A&F với bộ sưu tập gồm hơn 100 thiết kế dành cho cô dâu, phù dâu và khách tham dự đám cưới. Tất cả sản phẩm có mức giá rơi vào khoảng 80 USD đến 150 USD.
Không chỉ có váy cưới, một số item khác cũng xuất hiện trong BST như bikini, pajama và chân váy dành cho những sự kiện khác bên cạnh lễ cưới.
Trong thông cáo báo chí ra mắt cửa hàng, Giám đốc Marketing của Abercrombie & Fitch Co. – bà Carey Collins Krug cho biết: “Khách hàng của chúng tôi yêu những kỳ nghỉ dài. Khi chúng tôi hỏi họ về những chuyến đi thú vị sắp tới, rất nhiều người đã nói về đám cưới, sự kiện liên quan đến đám cưới và điều mà họ quan tâm là trang phục. Bộ sưu tập này được thiết kế hoàn hảo để phục vụ cho nhu cầu đó.”
Thương hiệu thời trang nhanh Forever 21 cũng cho ra mắt bộ sưu tập váy cưới đầu tiên vào tháng Tư, với giá từ $9 đến khoảng $50. Bộ sưu tập bao gồm các thiết kế váy, đồ ngủ và phụ kiện. Một chiếc váy midi cúp ngực được làm từ chất liệu satin và ren trắng trong cửa hàng của họ có giá 24,29 đô la, hay một thiết kế midi hở lưng khác phù hợp với lễ đường trang trọng hơn chỉ có giá 27 đô la. So với mức giá trung bình của váy cưới là 2.000 đô la, đây chắc chắn là một mức giá rất hời.
Chuỗi cửa hàng thời trang trendy – Lulus cũng có động thái tương tự khi mở cửa hàng váy cưới đầu tiên tại Los Angeles vào tháng hai. Các thiết kế có giá dao động từ 100 đô đến 270 đô la.
Crystal Landsem – CEO Lulus cho biết: “Tại Lulus, cô dâu sẽ không phải đánh đổi gì cả. Sở hữu một thiết kế sang trọng mà không vượt quá ngân sách không còn là một giấc mơ, mà chính là hiện thực.”
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Allyson Rees – chuyên gia nghiên cứu insight từ WGSN – công ty dự đoán và phân tích xu hướng, cho biết: “Để các bộ sưu tập váy cưới này thu hút được Gen Z, các thương hiệu phải nắm bắt được cách mua sắm của họ. Gen Z luôn mua sắm trực tuyến, nhưng 97% Gen Z Mỹ vẫn mua sắm tại cửa hàng. Váy cưới nói riêng và truyền thống thử váy cưới là nghi thức quan trọng mà Gen Z vẫn muốn thực hiện. Vì vậy, các thương hiệu cần tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn tại cửa hàng.”
Khi những lứa đầu tiên thuộc Gen Z bước vào độ tuổi kết hôn, họ quyết định từ bỏ một số giá trị truyền thống lỗi thời. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành động này cũng là do việc tuân theo những khuôn phép này khiến những người tiêu dùng trẻ tuổi phải đối mặt với một vấn đề nhạy cảm – phát sinh về chi phí, thậm chí tốn kém hơn so với thế hệ Millennials.
Rees cũng cho biết: “Gen Z bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng phí sinh hoạt, và họ chắc chắn cảm thấy rất bất an về tài chính của mình. Hơn một nửa trong số họ sống dựa vào đồng lương tháng, trong khi một phần ba còn lại vẫn còn phụ thuộc vào bố mẹ. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi các hãng thời trang nhanh vốn được hưởng nhiều lợi nhuận do khủng hoảng phí sinh hoạt, đã quyết định tận dụng nhu vầu về thời trang cưới với mức giá phải chăng.”
Bà cũng cho biết thời trang cưới hiện nay đã giảm tính truyền thống. Đặc biệt đối với váy cưới. Trong giai đoạn đại dịch, xu hướng váy cưới màu đen cũng trở nên phổ biến.
“Gen Z đang nối tiếp những gì Millennials đã bỏ dở. Không ít cô dâu chọn những màu sắc khác biệt thay vì trắng, hoặc thay nhiều trang phục trong suốt buổi lễ. Đây chính là nhu cầu mà các thương hiệu thời trang nhanh có thể thỏa lắp họ.”
Được thành lập vào năm 2012, thương hiệu thời trang nhanh trực tuyến lớn nhất thế giới – Shein cũng gia nhập thị trường khi bán váy cưới và trang phục cưới. Giá trung bình của váy cưới Shein dao động từ $50 đến $100, tối đa là $200. Vào dịp lễ Tưởng nhớ Liệt sĩ (Memorial Day), nhà bán lẻ này sẽ mở một cửa hàng pop-up chuyên trang phục cưới tại Las Vegas để trưng bày các mẫu váy cưới và váy phù dâu mới nhất.
Lisa Zlotnick, đại diện phát ngôn của Shein, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN: “Giá cả phải chăng là yếu tố quan trọng đối với khách hàng Gen Z. Họ thường phải băn khoăng giữa mong muốn sở hữu những thiết kế hợp xu hướng và nhu cầu về tiết kiệm khi mua sắm. Khi trang phục cưới không còn bó buộc trong những kiểu dáng truyền thống chỉ có thể mặc được một lần, mà hướng đến những kiểu dáng đa dạng, sành điệu có thể mặc trong nhiều dịp, thì mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo các sản phẩm phải đáp ứng được sức hút của nhu cầu này.”
Ngay cả Boot Barn, thương hiệu chuyên bán bốt cao bồi và trang phục miền Viễn Tây, cũng gia nhập vào lĩnh vực trang phục cưới với bộ sưu tập thời trang cưới mới, theo phong cách miền Viễn Tây, bao gồm váy cưới, bốt cao bồi, mũ và phụ kiện. Các sản phẩm chủ yếu có giá dưới 400 đô la.
Isha Nicole, phó chủ tịch phụ trách marketing của Boot Barn, chia sẻ trong một buổi phỏng vấn: “Sau đại dịch, các đám cưới theo phong cách đồng quê và đám cưới ngoài vườn đã gia tăng mạnh mẽ vì mọi người muốn tổ chức đám cưới ngoài trời. Đây cũng là một lựa chọn tiết kiệm chi phí.”
Nicole cho biết thêm: “Các cặp đôi đang cố gắng thoát khỏi những đám cưới quy củ mang tính hình thức và theo đuổi những đám cưới mang chủ đề khác biệt. Chúng tôi đã nghiên cứu những xu hướng này và có vẻ đây là thời điểm thích hợp để đáp ứng nhu cầu khách hàng của mình.”