Tại sao các chú rể lại có hoa cài áo trong ngày trọng đại? 

June 19, 2024

Như một nét truyền thống trong những ngày trọng đại, cô dâu không thể thiếu hoa cưới cầm tay và chú rể phải luôn có hoa cài áo. Một đoá hoa hoa tô điểm trên nền áo vest không chỉ là một phụ kiện trang trí, mà còn là biểu tượng đặc biệt, đánh dấu khoảnh khắc quan trọng và thiêng liêng trong cuộc đời. 

Nguồn gốc hoa cài áo của chú rể 

Một số tài liệu cho rằng, truyền thông đeo hoa để làm vật trang trí xuất phát từ nền văn minh Ai Cập cổ đại của người Aztec. Trong thời kỳ này, người ta đeo những bông hoa có màu sắc nhất định để thể hiện sự ủng hộ đối với các vận động viên trong các sự kiện thể thao. 

Vào thế kỷ 15 ở Trung Đông – đây được xem là giai đoạn đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của biểu tượng hoa cài áo. Ở thời kỳ này, các hiệp sĩ phải rời xa gia đình để góp sức chinh chiến trên sa trường. Trước khi họ ra đi, các cô gái thường tặng cho người mình yêu một bông hoa cài áo hoặc một chiếc khăn choàng có cùng màu với chiếc váy mà cô gái đang mặc tượng trưng cho sự gắn kết, cầu mong sự may mắn, bình an, tiếp thêm sức mạnh cho các chàng trai để mau chóng trở về đoàn tụ cùng gia đình. 

Đến thế kỷ 16 tại Pháp, cụm từ “Buttonhole flower” viết tắt là “Boutonnière” được dùng rộng rãi để chỉ một bông hoa hoặc một bó hoa nhỏ dùng để cài trên khuy áo của chú rể, ban đầu cụm từ “Boutonnière” được xem như một biểu tượng của may mắn giúp loại bỏ điều không xấu trong cuộc sống. Đến thế kỷ 20, sau Thế chiến thứ nhất và thứ hai, việc sử dụng Boutonnière trở nên phổ biến hơn ở Châu Âu, đặc biệt trong ngành thời trang. Vào đầu những năm 1900, khuy hoa cài áo trở thành biểu tượng của sự lịch lãm, sang trọng trong các buổi dạ tiệc và khiêu vũ lộng lẫy. Ngày nay, xu hướng sử dụng hoa cài áo cho chú rể dần trở thành một nét truyền thống không thể thiếu trong ngày trọng đại và cả những dịp quan trọng. 

Ý nghĩa về “sự gắn kết” của hoa cài áo trong ngày cưới

Hoa cài áo trong ngày cưới không chỉ đơn thuần là một phụ kiện trang trí trên trang phục của chú rể,  mà còn là một phần không thể thiếu trong việc thể hiện sự đồng điệu và sự gắn kết giữa cặp đôi trong ngày quan trọng nhất của cuộc đời. 

Không cầu kỳ và điệu đà như hoa cầm tay của cô dâu, hoa cài áo của chú rể đòi hỏi sự hài hoà và tinh tế giúp điểm xuyết trên nền vest lịch lãm. Theo quan niệm của người phương Tây, khi hoa được cài trên ngực thể hiện rằng chàng trai đã chính thức trở thành chồng của cô dâu, khác hẳn với những người đàn ông diện vest thông thường.

Đóa hoa cài áo của chú rể thường được lấy từ bó hoa cầm tay của cô dâu, đây được xem như một dây nối liền hai trái tim yêu, sự đồng điệu về loài hoa và màu sắc khẳng định sự liên kết bền chặt, mong muốn được cùng nhau cảm nhận khoảnh khắc hạnh phúc và chứng kiến sự trưởng thành của hành trình “yêu”. Hoa Hồng, hoa Tulip, hoa Lan… là những loại hoa có khả năng giữ được độ tươi trong một khoảng thời gian dài, đa dạng màu sắc dễ dàng thiết kế và có thể phối hợp cùng các loại hoa khác nhau với nhiều phong cách độc đáo, đặc biệt các loài hoa này mang nhiều ý nghĩa đặc biệt về tình yêu, do đó đây được xem là những loài hoa quốc dân thường được nhiều cặp đôi sử dụng trong ngày cưới. 

Theo truyền thống, hoa cài áo của chú rể sẽ được đặt ở bên trái, phía túi ngực, nơi gần trái tim nhất Khẳng định mong muốn gìn giữ hạnh phúc, bảo vệ tình yêu. Đồng thời, còn là biểu tượng cho lòng chung thuỷ và tâm ý mà chú rể mong muốn dành cho cô dâu. Đây là một cách để chú rể tuyên bố rằng anh sẽ luôn bên cạnh cô dâu, nâng niu và chăm sóc cho tình yêu của chúng ta, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời. 

Bài viết: Trường Duy