April 3, 2024
Tốc độ tăng trưởng về nhu cầu của “wedding planner” trong những năm gần đây đang tăng nhanh chóng, mở ra một thị trường đầy tiềm năng cho ngành cưới cao cấp. Là một trong những đơn vị đầu tiên tiên phong gánh vác sứ mệnh này, nhà sáng lập kiêm CEO của The F Lab – Giang Bùi đã có những chia sẻ về hành trình định nghĩa giá trị của lĩnh vực kiến tạo hạnh phúc tại Việt Nam.
Khủng hoảng tuổi 25 và… The F Lab “ra đời”
Năm 2014, khi quay về Việt Nam sau 5 năm du học, tôi rơi vào khủng hoảng tuổi 25 vì xung quanh bạn bè đều đã phát triển đến một giai đoạn nhất định. Người đã có sự nghiệp, người đã lập gia đình. Trong khi bản thân tôi vẫn đang chán nản vì chưa có định hướng cho riêng mình. Trong một dịp tình cờ lúc ấy, một người bạn học cấp 3 của tôi được cầu hôn. Đó là một câu chuyện tình yêu đẹp và truyền cảm hứng. Bạn ấy đăng tải một bài đăng trên Facebook để tìm một người hỗ trợ tổ chức đám cưới. Cơ hội đó như một chiếc phao cứu sinh đưa tôi thoát khỏi khủng hoảng tâm lý. Tự tin với kinh nghiệm làm việc trong ngành sự kiện, tôi ngỏ lời giúp đỡ và bạn ấy đồng ý. Và như một lẽ dĩ nhiên, sau những lời khen và động viên cùng những người đồng hành trong lễ cưới định mệnh ấy, tôi tiếp tục có dự án đầu tiên của mình sau 2 tháng kể từ lễ cưới. Có lẽ vì luôn cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình, nên chúng tôi được mọi người yêu quý và cứ thế gắn bó cùng nhau như một đội ngũ. The F Lab được thành lập vào năm 2016 và được lấy ngày sinh nhật cũng là sự kiện “định mệnh” lần ấy.
Lợi thế sẵn có của tôi là những kiến thức và trải nghiệm mà tôi có được nhờ bố mẹ đã tạo điều kiện đi du học nước ngoài. Đó là một cơ hội giúp tôi mở rộng mối quan hệ, thay đổi nhận thức về xã hội và giao lưu với những nhóm khách hàng đa dạng. Bên cạnh đó, niềm yêu thích với thời trang và hội họa cũng đã giúp tôi định hình gu thẩm mỹ của chính mình. Tôi tin rằng, khi làm nghề liên quan đến sáng tạo thì việc “ có gu” là một yếu tố quan trọng.
Còn về khó khăn, có lẽ là thời điểm. Năm 2016, “wedding planner” vẫn là một khái niệm mới ở Việt Nam. Trong thời điểm đó, chúng tôi đã phải dốc sức để giải thích cho khách hàng về trách nhiệm và giá trị của dịch vụ cưới và lý do họ cần phải đầu tư vào nó. Đó thực sự là một giai đoạn đầy thách thức, vì thị trường vẫn chưa nhận ra được vai trò quan trọng của những “wedding planner”. Cả đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ cũng mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn. Họ đều đang ở giai đoạn “mò mẫm, tập trung vào nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm của mình. Trong bối cảnh đó, mọi người đều bắt đầu từ điểm xuất phát “không có ai là chuyên gia” và cần phải nỗ lực như nhau vì tất cả không có ai dẫn dắt từ trước.
Ngành “wedding planner” đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc trong một khoảng thời gian ngắn. Khi chúng tôi bắt đầu, các đơn vị “wedding planner” chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay khắp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài các đội ngũ chuyên nghiệp, lĩnh vực này cũng đã chứng kiến sự xuất hiện của một số freelancer và các doanh nghiệp ngành cưới khác cung cấp dịch vụ đa phân khúc. Điều này phản ánh sự gia tăng về nhu cầu, đặc biệt là từ phía các cặp đôi trẻ đang chuẩn bị cho ngày trọng đại và mong muốn đó là ngày đáng nhớ của mình và họ đã nhận thức được rằng “wedding planner” không chỉ là một lựa chọn, mà là một yếu tố quan trọng trong việc tổ chức đám cưới. Đây thực sự là một bước đột phá của ngành.
Chúng tôi thường được nhận xét là một đội ngũ có đạo đức nghề nghiệp rất cao. Với khách hàng, chúng tôi luôn đặt “sự trọn vẹn” lên hàng đầu và hết mình hỗ trợ các cặp đôi để đảm bảo mỗi dự án được thực hiện thành công và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho họ. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc đối xử với khách hàng, đạo đức nghề nghiệp cũng được áp dụng với đối tác của chúng tôi. Sau 8 năm hoạt động và xây dựng The F Lab, chúng tôi tự hào đã xây dựng và phát triển được một mạng lưới đặc biệt với các đơn vị uy tín trong ngành. Trong quá trình làm việc, chúng tôi luôn cố gắng bảo vệ quyền lợi chính đáng của đối tác, không bao giờ áp đặt hoặc ép buộc họ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tôi tin rằng, một thị trường phát triển thực sự chỉ xảy ra khi tất cả các bên đều cùng song hành phát triển. Đây là một góc nhìn quan trọng mà tôi đã truyền đạt cho đội ngũ của mình như một “kim chỉ nam” suốt nhiều năm qua.
Theo định nghĩa “sang trọng” và “xa xỉ” của The F Lab, một đám cưới sang trọng phải bộc lộ được nét tính cách của người chủ bữa tiệc. Xuất phát từ quan điểm “Đám cưới phải là ngày vui, không phải là ngày để khoe mẽ”, những ý tưởng của chúng tôi đều phải hiện thực hóa được tâm tư tình cảm của các cặp đôi. Tất cả các chi tiết trong lễ cưới phải khiến khách mời cảm nhận được niềm hạnh phúc của gia đình hai bên và thể hiện được cái “tâm” và cái “tầm” của khách hàng. Chúng tôi hy vọng mọi người nhìn thấy sự xa xỉ của một lễ cưới ở chất xám, chứ không phải ở giá cả.
Tôi nghĩ “Quiet Luxury” không thể ngay lập tức gia nhập thị trường. Vì hầu hết tất cả các nước châu Á như Dubai, Ả Rập, Trung Quốc,… vẫn rất chú trọng sự hào nhoáng và xa hoa. Kể cả các nước Đông Nam Á như Thái Lan hay Việt Nam cũng không thể thoát khỏi tư tưởng ấy. Họ quan niệm rằng đám cưới chỉ diễn ra một lần và mọi người đều tìm kiếm sự đặc biệt. Định nghĩa “đặc biệt” với mỗi người có thể khác nhau, nhưng các bạn trẻ thường bị thu hút với những sự kiện hoành tráng và phô trương.
Thay vì phong cách, tôi nghĩ cách thức tổ chức một lễ cưới đang có xu hướng thay đổi. Khác với đám cưới “ăn tiệc, bỏ tiền” của thế hệ trước, tôi nhận ra các bạn trẻ thời nay mong muốn “cá nhân hóa” ngày cưới của mình hơn ngày trước, và họ sẽ càng chú trọng đầu tư về “nội dung” của các hoạt động thay vì chỉ tập trung vào những gì hào nhoáng bên ngoài.
Thật ra tôi nghĩ cũng như tất cả ngành khác, đến một thời điểm thì “wedding planner” cũng sẽ bị “overtitle”. Có rất nhiều từ để diễn tả về nghề này, bạn lựa chọn gọi nó bằng cái tên nào là quyền của bạn. Nhưng sáng tạo vốn dĩ là bản chất của nghề. Cho đến hiện tại, những người đứng đầu ngành trên thế giới vẫn đang gọi họ là “wedding planner”. Vì vậy, tôi thấy không lý do gì để cần phải thay đổi tên gọi này. Chúng ta không cần đặt một chức danh quá “hào nhoáng” để tự cảm thấy áp lực về nó.
Tôi tin là không một doanh nhân thành đạt nào có cuộc sống cân bằng cả. “Thời gian” và “tiền bạc” là hai yếu tố tỉ lệ nghịch với nhau. Không một ai có thể đồng thời sở hữu cả hai nguồn lực này ở mức độ như nhau. Việc giữ cho mình một trạng thái cân bằng là rất khó. Sau khi kinh doanh trong được một thời gian không ngắn, tôi đã tự thiết lập một số quy tắc làm ranh giới ngăn cách công việc và cuộc sống cá nhân.
Tôi nghĩ đó là sống một cuộc đời không hối tiếc. Kể cả trong cuộc sống cá nhân hay công việc, tôi hy vọng bản thân sẽ không nhìn lại những lựa chọn và quyết định mà mình đã đưa ra với suy nghĩ “Biết thế mình đã làm khác”.
Tôi là một người rất kiên định trong công việc và vì những người trong ngành thường nhận xét chúng tôi là một doanh nghiệp tử tế nên mục tiêu của tôi là khiến sự tử tế đó trở nên bền vững.
***
Thông tin về Wedding Symphony
WEDDING SYMPHONY là platform được ra mắt bởi LUXUO Media Vietnam Group với mang đến trải nghiệm đa giác quan của ngành Cưới cao cấp, đồng thời trở thành cầu nối giúp nâng tầm nghệ thuật cưới xa xỉ, tôn vinh các giá trị bản sắc và các sáng tạo độc bản của những cá nhân chuyên nghiệp đã gặt hái được nhiều thành tựu trong việc thêu dệt hạnh phúc cho những cặp uyên ương.
Bài: Hồng Đặng, Ánh Ngọc